MỤC LỤC
Việt Nam có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới, thuộc “top 10” quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới. Đây là vật nuôi có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hiện chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm trứng vịt muối thì việc nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng để làm cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp cần thiết là vô cùng quan trọng trong bối cảnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.
Chăn nuôi vịt là nghề truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, kinh tế xã hội của cả nước. Theo số liệu thống kê 1/10/2013, tổng đàn vịt cả nước đạt 69 triệu con, đứng thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc. Sản lượng thịt và trứng lần lượt đạt 166,6 ngàn tấn và 3,4 tỉ quả (chiếm 47,1% sản lượng trứng sản xuất và tiêu dùng trong cả nước). Hiện Việt Nam được xếp “top 10” quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất trên thế giới.
Chăn nuôi vịt chạy đồng. Nguồn: Internet
Những năm qua, chăn nuôi vịt cả nước đạt được những thành tích đáng khích lệ, thể hiện qua các mặt: tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao; chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi từng bước được cải thiện; phương thức chăn nuôi trang trại, hàng hoá đã hình thành và có xu hướng phát triển.
Tình hình xuất khẩu trứng muối
Trứng vịt muối là một trong những mặt hàng xuất khẩu của ngành chăn nuôi bên cạnh mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa, thức ăn chăn nuôi (TACN) và nguyên liệu TACN, thịt heo, trứng tươi, gà con giống… Hiện cả nước có 3 doanh nghiệp xuất khẩu trứng vịt muối: DNTN Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long), Công ty TNHH SX TM&DV Nguyễn Phan và XN CBTP Meko (Cần Thơ).
Sản phẩm trứng vịt muối xuất khẩu
Theo kết quả khảo sát, 100% trứng được thu gom tại các cơ sở nuôi vịt chạy đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang và Vĩnh Long. Đây là những địa phương có đàn vịt lớn của cả nước. Trứng được thu gom tại các trạm của doanh nghiệp: DNTN Vĩnh Nghiệp có 3 trạm thu gom, Công ty TNHH Nguyễn Phan có 6 trạm thu gom. Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Meko thu mua trứng thông qua thương lái. Trứng tươi sau thu gom được Chi cục Thú y các tỉnh kiểm dịch vận chuyển.
Chuẩn bị sản phẩm xuất khẩu.
Hàng năm, các cơ sở sản xuất đã được Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, đánh giá. 100% cơ sở đã xây dựng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, tuân thủ các quy định Nhà nước về kiểm dịch sản phẩm. Sản phẩm trước khi xuất khẩu được kiểm tra chỉ tiêu vi sinh (Salmonella, Enterobacteriaceae) và red sudan từng lô hàng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Tổng lượng trứng muối xuất khẩu qua các năm: Năm 2010: 34.161.800 quả, năm 2011: 31.975.200 quả, năm 2012: 22.758.300 quả, năm 2013: 19.068.000 quả, 6 tháng 2014: 9.234.600 quả. Tỉ lệ tái nhập và tiêu hủy bình quân: khoảng 1%. Lý do: không đạt yêu cầu về sudan.
Các thị trường xuất khẩu chính: Singapore, Malaysia và Hongkong. Theo kết quả tổng hợp của Cục Chăn nuôi, lượng xuất khẩu trong năm năm 2013 tại các thị trường: Singapore 16,5 triệu quả (91,3%), Malaysia 1,1 triệu quả (6,3%) và Hongkong 430,9 ngàn quả (2,4%). Xét cơ cấu thị trường xuất khẩu theo kim ngạch (USD): Singapore (92,1%), Malaysia (5,6%) và Hongkong (2,2%).
Nhận xét chung
Tình hình xuất khẩu trứng vịt muối giai đoạn 2010 – 2013 giảm mạnh (44,2%). Kể từ khi Việt Nam công bố dịch cúm gia cầm, Nhật Bản ngừng nhập khẩu, thị trường Hongkong không thường xuyên do phía bạn còn nghi ngại tình hình cúm gia cầm ở Việt Nam.
Sản phẩm trứng được thu gom 100% từ các đàn vịt chạy đồng. Trứng tươi được kiểm tra lựa chọn, xử lý theo quy trình sản xuất của cơ sở trước khi cho xuất xưởng. Các cơ sở xuất khẩu có xây dựng quy trình sản xuất, công bố tiêu chuẩn cơ sở. Trứng được chứa đựng trong các khay nhựa trong suốt quá trình vận chuyển, được kiểm dịch trứng tươi đầu vào trước khi chế biến và đầu ra khi xuất khẩu.
Các doanh nghiệp chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi, việc giao thương mang tính gia đình, truyền thống. Doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, mở rộng khách hàng/ thị trường sẵn có và phát triển những thị trường mới nhiều tiềm năng khác.
Việc cấp mã số cho những đàn vịt phục vụ xuất khẩu bị gián đoạn từ 2010. Giới hạn kiểm tra red sudan của các phòng thử nghiệm được chỉ định là ppm, chưa đáp ứng yêu cầu của Singapore (ppb).
Một số đề xuất, kiến nghị
1. Đối với Cơ quan Thú y
– Tăng cường năng lực kiểm tra chất lượng trứng xuất khẩu, cụ thể là kiểm tra chỉ tiêu dư lượng red sudan (I, II, III và IV) và melamin ở mức giới hạn ppb.
– Đề nghị ngành thú y cấp mã số cho các đàn vịt hàng năm (mã code hiện sử dụng được cấp từ 2010), cùng Bộ Tài chính nghiên cứu giảm chi phí kiểm dịch thú y trứng lưu thông nội địa và xuất khẩu.
2. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu
– Cần chú trọng tổ chức chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khẩn trương phát triển hệ thống các cơ sở chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh (mô hình chăn nuôi vịt khép kín, an toàn sinh học).
– Tổ chức tham quan học tập các mô hình chuỗi đã làm tốt ở những địa phương khác.
– Cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu.
– Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y các tỉnh và Cơ quan Thú y vùng VII trong công tác kiểm dịch, hướng dẫn chứng nhận cơ sở ATDB.
– Nghiên cứu đa dạng các sản phẩm trứng vịt muối như: trứng muối nước, trứng muối hút chân không… đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và ATVSTP.
– Tăng cường công tác nghiên cứu về thị hiếu, nhu cầu sản phẩm trứng muối ở một số thị trường tiềm năng chưa khai thác như Úc, Brunei, Nhật Bản, Đài Loan…
– Tiếp tục mở rộng đối tác ngoài các nhà nhập khẩu truyền thống còn quá ít như hiện nay: Singapore (3 doanh nghiệp nhập khẩu), Malaysia (1 doanh nghiệp nhập khẩu), Hongkong (1 doanh nghiệp nhập khẩu).
– Thành lập Hội/ Hiệp hội sản xuất, xuất khẩu trứng vịt muối nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trứng vịt muối.